Phong Thủy của nền kinh tế tri thức
Bài dưới đây góp đôi ý kiến về Phong Thuỷ của nền kinh tế, tuy hai lĩnh vực đó (Kinh Tế và Phong Thủy) khá xa nhau. Vậy để tiện đường tham khảo, trước hết chúng tôi trình bày vài khái niệm cơ bản của Phong Thuỷ theo ngôn ngữ mới, sau đó dùng các khái niệm ấy để xét về Phong Thuỷ của nền kinh tế Việt nam trong thời hiện tại, đặc biệt trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay.
1. Phong Thủy và Ngũ hành theo khoa học
Ngũ hành là một khái niệm cổ, rất khó hiểu và cũng rất khó ứng dụng nữa. Tuy nhiên dưới góc độ khoa học (Vật lý và Toán học) có thể tiếp cận Ngũ hành một cách dễ hiểu hơn. Cụ thể, trong Ngũ hành người ta bảo năm Kỷ Sửu thuộc hành Thổ, còn năm Mậu Tý đã qua là thuộc hành Thủy. Vậy thời gian có tính chất Ngũ Hành. Không gian cũng có tính chất Ngũ hành nữa. Ví dụ Phương Tây thuộc Kim, Phương Nam thuộc Hỏa… Phổ biến hơn cả, các đồ vật cũng được sắp xếp theo Ngũ Hành. Ví dụ, con sông là Thủy, quả núi thuộc Thổ, mỏ sắt thuộc Kim, cái bàn thuộc Mộc,….
Như vậy, người xưa đã phân loại mọi khái niệm và vật thể trên đời theo Ngũ hành. Từ không gian, thời gian, đến các vật thể quanh ta, thậm chí cả tim phổi con người nữa, tất cả đều được gán vào Ngũ hành, hoặc là Kim, hoặc là Thổ, ….
Vì vậy, chắc chắn rằng người xưa phải có một qui tắc nào đó để gán một “vật” hay một khái niệm vào hành này hay hành kia. Qui tắc ấy phải vừa logic về lý thuyết, mà lại vừa được kiểm chứng bằng thực nghiệm. Bởi chỉ có như vậy, Ngũ hành mới có thể bền vững hàng ngàn năm, bất chấp bao thăng trầm lịch sử và cả những tiến bộ khoa học vượt bậc hiện nay nữa. Chẳng hạn, chỉ nhờ thông tin mạch đập từ ba ngón tay, một thầy thuốc Đông y, theo biện chứng Ngũ hành, đã chẩn bệnh và kê đơn chính xác, đạt kết quả điều trị cao.
Ngày nay, xem các sách luận bàn về Ngũ hành, ta không thấy sách nào bàn về phương pháp gán Ngũ hành, ta chỉ thấy các bảng phân loại một cách cứng nhắc, theo kiểu tiên đề, rằng nhất định Phương Tây là hành KIM, cái bàn gỗ thuộc hành MỘC,…. Các sách ấy không đưa ra nguyên lý phổ quát của sự phân loại theo Ngũ Hành. Họ không trả lời câu hỏi tại sao phổi lại thuộc về hành Kim, Phương Nam thuộc hành Hỏa, năm Kỷ Sửu thuộc hành Thổ. Họ chỉ đưa ra các kết quả gán đã xếp thành bảng, thành biểu hoặc qui tắc.
Để bổ khuyết cần xây dựng một qui tắc phân loại Ngũ hành mới, dễ hiểu, có logic và khả năng ứng dụng cao. Nhằm mục đích xây dựng phép gán Ngũ hành, chúng tôi đã đưa ra một số qui tắc, trình bày trong cuốn “Ngũ hành và Khoa học” NXB Văn Hóa Thông tin 2007 (1), và cuốn “Ngũ hành Nhịp điệu Sáng Tạo” NXB Văn hóa Thông tin 2008 (2) của tác giả Thu San Nguyễn Thế Hùng. Các qui tắc ấy dựa trên lập luận rằng “các nhà Toán học hay gán biến cho các phương trình và các nhà Vật lý hay gán phương trình cho các vận động”. Từ đó suy ra rằng các nhà Ngũ hành thực sự đã gán biểu tượng cho vận động. Qui tắc ấy như sau: “Mọi vận động trong tự nhiên và xã hội đều được qui về một trong 5 phương thức: Kim – Thủy – Mộc – Hỏa – Thổ”. Năm phương thức vận động đó gọi là Ngũ hành. Hành ở đây được hiểu theo nghĩa Hán tự, tức là hành trình, qui trình (processes).
Chúng tôi đã trình bày trong 2 cuốn sách kể trên về 5 biểu tượng, 5 hành trình, 5 phương thức của vận động theo Ngũ hành. Dưới đây chúng tôi chỉ tóm tắt lại những gì quan trọng nhất, để dùng các khái niệm đó phân tích về đặc điểm của nền kinh tế tri thức và cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay.
Các qui tắc về Ngũ hành:
1. Mọi vận động trong tự nhiên và xã hội đều có thể qui về 5 phương thức.
2. Trong 5 phương thức ấy có một phương thức khởi đầu, gọi là phương thức KIM, tiếp theo là các phương thức THỦY, MỘC, HỎA, THỔ. Sau khi vòng luân chuyển đó quay về THỔ, thì một chu trình vận động mới lại bắt đầu từ KIM. Mọi vật cứ thế xoay vần.
3. Dấu hiệu để nhận biết các phương thức như sau:
- Phương thức vận động hành KIM: đó là quá trình tích tụ, tích lũy, bồi đắp, qui về một mối…. Trung tâm qui tụ có thể là một điểm trong không gian, trong thời gian, có thể là trong cả tâm trí con người nữa. Khi tích tụ thì có chọn lựa, thải loại, theo một qui chuẩn nào đó. Ví dụ, một người sống bình thường thì trước hết anh ta phải theo qui tắc vận động của hành KIM. Anh ta phải tích tụ thực phẩm để biến thân xác 2-3kg cha mẹ sinh ra thành một cơ thể khỏe mạnh, sau nữa anh ta phải tích tụ vào óc mình những kiến thức chuyên môn, các qui tắc sống,… Quá trình tích lũy đó xảy ra suốt đời. Khi nào ngừng tích, anh ta chết.
- Phương thức vận động hành THỦY: đó là quá trình phân tán, tản ra cái đã tích tụ. Đây là qui trình vận động thứ hai sau khi đã thực hiện phương thức vận động hành KIM. Tất nhiên sự tản ra đó không chỉ đơn thuần là truyền tải, mà phải có chế biến, có nâng cấp. Ví dụ, kiến thức của một người sau khi được tích KIM, thì tản ra dưới dạng thức khác phù hợp uyển chuyển với hoàn cảnh xung quanh thành lời nói, thành kế hoạch, bản thiết kế,…Vậy KIM là tích vào, như tích tiền. THỦY là tản ra như sự chảy đi của dòng nước. Do vậy, hai hành đầu tiên của Ngũ hành là KIM và THỦY là hai hành tich/tản. Điều đó có nghĩa là hai hành KIM THỦY là biểu tượng của hai quá trình vận động. Vận động tích tụ được gọi là KIM, vận động phân tán được gọi là THỦY. Hai hành này như một nhịp điệu, như sự thở, sự tiến lui của sóng biển,… Đây là hai biểu tượng quan trọng nhất, phổ biến nhất của mọi vận động. Bạn hãy quan sát xung quanh xem, rất nhiều thứ đang tiến lui, đang tich/tản, tạo thành cái nhịp điệu vô cùng vô tận, tạo thành cái nhịp điệu vĩnh hằng của mọi hiện tượng trong vũ trụ.
Dưới dạng toán học, hai hành KIM và THỦY này được biểu diễn bằng các vecto chỉ hướng ra vào như trong hình 1.
Hình 1. Biểu tượng của hành KIM- các quá trình tích tụ và hành THỦY- các quá trình tản phát
- Phương thức vận động hành MỘC: Đây là phương thức vận động của sự tạo thành cái mới. Biểu tượng như một mầm cây đâm chồi lên. Nó kết quả của quá trình tích tản liên tiếp, không ngừng không nghỉ. Ví dụ, một người tích lũy nhiều kiến thức trở thành kỹ sư, anh ta tản ra các ý tưởng, thực hành các ý tưởng đó có thể làm nảy sinh một cái máy mới. Trong quá trình sinh thành, sáng tạo cái mới, có rất nhiều khó khăn. Do đó biểu tượng MỘC, chỉ sự vươn dậy mạnh mẽ của chồi cây, chỉ sự không khuất phục. Cho nên trong các sách cổ thường nói MỘC có tính cứng, rắn, mạnh mẽ.
- Phương thức vận động hành HỎA: Sau khi sự vận động đã đạt tới hành MỘC, thì một cái mới đã được sáng tạo. Cái mới đó, cần phải được hoàn thiện và nhân rộng. Nếu không thể hoàn thiện và nhân rộng thì quá trình sáng tạo đó là không bền vững, sản phẩm mới không thể tồn tại lâu dài. Cái mới ấy không làm tiền đề cho sự phát triển tiếp theo. Do đó, sau hành MỘC, đến hành HỎA. Hành này là sự nhân rộng cái mô hình đã hoàn thiện của MỘC. Sự vận động trong quá trình HỎA có tính sao chép để nhân rộng, ít có tính sáng tạo. Tính chất của vận động ở đây rất nhanh gấp, ào ào, mãnh liệt. Ví dụ, sau khi cái mô hình mới về nuôi tôm nước lợ thành công ở xã Z tỉnh Q, thì nhiều bà con nông dân các nơi khác ào ào bắt chước, tạo thành một phong trào nuôi tôm nước lợ. Phong trào đó là phương thức vận động hành HỎA.
- Phương thức vận động hành THỔ: Hành Thổ là im lặng, yên tĩnh, chở che như tính chất của khối đất. Do đó, những dạng vận động mang những tính chất ấy đều được gán cho hành THỔ. Nó là giai đoạn vận động tất yếu xảy ra sau hành HỎA. Nó là tro tàn của một quá trình bốc cháy ào ạt của hành HỎA. Chẳng hạn, sau khi mọi người ào ào đua nhau mua đất, tậu trang trại, nhất định sẽ đến một giai đoạn trầm lắng, giao dịch buồn tẻ. Phương thức đó gọi là vận động theo hành THỔ. Trong lãnh vực buôn bán bất động sản (BĐS), trước đây vài năm, người ta tranh mua tranh bán. Giá BĐS leo thành từng tuần. Lúc đó, BĐS đang vận động theo hành HỎA. Do đó, cũng là đất đai, nhưng không phải lúc nào cũng là THỔ. Có lúc nó vận động như HỎA. Bong bóng bất động sản của nền kinh tế MỸ cũng hình thành và vận động như vậy. Lúc thì nó bùng lên mạnh mẽ như lửa, lúc nó trầm lặng như tro. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay là một giai đoạn THỔ qui mô lớn.
Tuy nhiên, sự trầm lắng của hành THỔ, chính là điều kiện để phát sinh, hình thành các hành trình tích tụ mới. Cho nên, người ta nói THỔ sinh KIM. Tức là một vòng Ngũ Hành mới chỉ có thể được hình thành trong lòng của hành THỔ. Cũng như sự tạo thành mầm tinh thể chỉ có thể hình thành trong các điều kiện hết sức ổn định, gần như không có các dao động nào. Hơn nữa các vòng Ngũ hành đều phải trải qua 5 giai đoạn mới trở về trạng thái vận động ban đầu. Hai hành KIM/THỦY là thử nghiệm tìm cái mới, hành MỘC là sáng tạo, hành HỎA là nhân rộng, hành THỔ là suy tàn để lại đổi mới.
Trên đây là tóm tắt vài nét chính nhất của môn Ngũ hành theo ngôn ngữ mới, ngôn ngữ vận động. Ngũ hành là biện chứng của tự nhiên. Chỉ cần chiêm nghiệm, bạn nhất định sẽ nhìn thấy mọi vận động đang đi theo con đường biện chứng đó.
Ví dụ về một vòng ngũ hành qui mô nhỏ là vòng đời. Kể từ lúc sinh ra là hành KIM, hành vi đầu tiên sau tiếng khóc chào đời là tìm vú mẹ. Nó hút sữa, lúc đó đứa trẻ bắt đầu hành vi tích KIM đầu tiên. Sau đó, nó còn tích nhiều thứ khác nữa, từ thực phẩm và khí trời đến kiến thức và kinh nghiệm sống ….. để sáng tạo rất nhiều hành MỘC cho chính cơ thể nó và cho cuộc đời. Vòng sinh bệnh lão tử chính là biện chứng vận động theo Ngũ hành, gồm cả KIM, THỦY, MỘC, HỎA, THỔ.
Một ví dụ khác về vòng Ngũ hành qui mô lớn là sự hình thành và biến đổi của vũ trụ. Sự hình thành các Lỗ đen là hành KIM. Vì lỗ đen hút tất cả các vật thể xung quanh nó, từ ngôi sao, hành tinh, đến quần thể hành tinh, cả các hạt bụi vũ trụ và ánh sáng nữa, để dồn nén vào một phạm vi thể tích cực nhỏ bé và cực nóng. Quá trình tích lũy đó cũng gọi là tích KIM. Quá trình tích KIM vũ trụ kéo dài nhiều tỉ năm. Sau khi lỗ đen đã đạt đến một độ đậm đặc giới hạn thì nó bùng nổ tạo dưới dạng BIG BANG. Big Bang trong vũ trụ học được gọi là vụ nổ lớn. Đó là hành THỦY. Thời điểm bùng nổ Big Bang rất ngắn, nó chỉ là một thời điểm giao thời giữa KIM và THỦY vũ trụ. Sau Big Bang, quá trình THỦY vũ trụ diễn tiếp hàng nhiều tỉ năm nữa. Quá trình ấy là các quá trình rời xa nhau của các Thiên hà, quá trình tản ra. Hiện chúng ta đang sống trong hành THỦY vũ trụ. Trong hành THỦY ấy nảy sinh các hành MỘC. Đó là sự sáng tạo ra cái mới. Hệ Mặt trời, Trái đất cũng là sản phẩm hành MỘC của vũ trụ. Sự tiến hóa của các loài cũng chính là hành MỘC. Trong quá trình ấy, nhiều ngôi sao trong vũ trụ đạt đến trạng thái HỎA, sau đó suy biến dần về THỔ.
Ví dụ về các vòng Ngũ hành qui mô trung bình là sự thăng trầm của các triều đại, các nền văn minh, các nền kinh tế. Bài này sẽ dùng biện chứng tự nhiên Ngũ hành để nghiên cứu kinh tế và cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.
2. Định nghĩa Kinh tế học
Kinh tế học là gì? Định nghĩa cơ bản trong các sách giáo khoa như sau : "Kinh tế học là môn học nghiên cứu cách phân bổ một cách hiệu quả nhất những nguồn lực khan hiếm cho những mục tiêu thay thế lẫn nhau". Phần đầu của định nghĩa này khá dễ hiểu. Theo đó, kinh tế học là nghiên cứu cách sản xuất và phân bố của cải nói chung. Phần sau nói về các mục tiêu thay thế lẫn nhau thì hơi trừu tượng. Nó muốn nói đến các nguồn lực khan hiếm với ý rằng khi muốn khai thác và sử dụng các nguồn lực đó thì phải chi phí. Các nguồn lực khan hiếm nhấn mạnh ở đây để làm cơ sở cho thuyết cung cầu, để từ đó xây dựng các thuyết về thị trường hiện đại.
Tuy nhiên, kinh tế học còn được xem như một cách tư duy nữa. Ông John Maynard Keynes là một nhà kinh tế học người Anh lừng danh thế giới từng nói "Economics is a way of thinking." (Kinh tế học là một cách suy nghĩ). Theo định nghĩa của Keynes thì kinh tế học rộng lớn hơn rất nhiều, kinh tế chính là cách suy nghĩ của chúng ta về thực tại. Do đó, kinh tế học có được xem là một bộ phận của triết học. Trong các nhà trường của chúng ta (Việt Nam) môn kinh tế luôn được gắn với chính trị, người ta gắn hai môn đó lại gọi là kinh tế-chính trị học theo Marx-Lenin. Như vậy ít nhất có hai định nghĩa về kinh tế học, Phong Thủy và Ngũ Hành muốn góp thêm một cách phân tích mới. Theo Ngũ hành bất cứ một hành vi tích tụ nào đều thuộc hành KIM, gọi là tích KIM. Sản xuất của cải là tích tụ các thành tố khác nhau lại để cấu thành sản phẩm, nên sản xuất thuộc hành KIM. Ví dụ, người thợ gốm, tích tụ đất sét, cao lin, thạch anh, các phẩm mầu, sức nóng (của than, củi, khí gas…), sức lao động, …. để chế tạo ra cái bát, cái lọ thì đó chính là hành vi tích KIM. Sau đó, anh ta phải phân bố những sản phẩm ấy, hoặc là trực tiếp, hoặc thông qua các nhà buôn, các đại lý. Hành vi phân bố, chính là tản các sản phẩm đã chế tạo ra, nên hành vi đó thuộc hành THỦY.
Như vậy, theo định nghĩa kinh điển của kinh tế học, sản xuất và phân bổ thuộc hai hành KIM/THỦY. Tuy vậy, phương thức tích tụ các thành tố để cấu tạo nên sản phẩm rất khác nhau, và ngày càng phức tạp. Mức độ phức tạp tăng dần theo mức độ phát triển của xã hội loài người. Nghiên cứu mức độ phức tạp của hai hành KIM THỦY trong kinh tế cho phép chúng ta có một cách nhìn nhận mới về kinh tế học và sự khủng hoảng kinh tế hiện nay.
3. Sự phân loại các nền kinh tế theo Thành tố
Dưới đây theo đặc điểm của các thành tố mà con người tích lũy để tạo ra sản phẩm chúng ta tiến hành phân loại nền các nền kinh tế theo phương thức và số lượng thành tố được tích tụ trong hành KIM. Thực chất của cách phân loại này là nhìn nhận nền kinh tế theo hành KIM. Sau đó, chúng ta sẽ dùng phép phân tích theo hành THỦY để phân tích sự sở hữu của cải, vật chất, và cả các vật thể vô hình khác nữa.
Trước hết, theo hành KIM chúng ta nhận thấy có ba sản phẩm đại diện cho ba phương thức tích tụ.
3.1.Ba sản phẩm đại diện
Loài người thực sự mới trải qua ba cách thức tích KIM kinh tế. Tích KIM kinh tế là phương cách tích tụ các thành tố sơ cấp để có các sản phẩm cao cấp hơn. Có ba sản phẩm đại diện cho ba phương thức tích KIM sản phẩm.
Sản phẩm đại diện 1: Nền kinh tế nông nghiệp, sản phẩm đại diện là hạt lúa. Sản phẩm ấy được cấu tạo từ 4 thành tố cơ bản: nước, phân, thời tiết, sức lao động. Bốn thành tố ấy qui tụ vào hạt giống là thành tố tiên khởi để tạo nên sản phẩm cuối cùng là hạt lúa. Giống lúa là một thành tố tiên khởi, nó chứa AND với tư cách là một bản đồ gene, một bản thiết kế lắp đặt của các thành tố khác. Đó là bản thiết kế tự nhiên.
Sự tích KIM các thành tố kể trên (nước, phân, thời tiết, sức lao động) không phải là sự chất đống các thành tố một cách cơ học. Các thành tố ấy phải được phân nhỏ thành các đại lượng rất bé, rồi được hạt giống hấp thụ dần. Như vậy, thực chất, hạt giống chính là bản thiết kế tự nhiên (gene) mà theo đó các thành tố được sắp xếp theo một qui trình hết sức phức tạp.
Hình 2. Ví dụ về sản phẩm cơ bản của nền kinh tế nông nghiệp
Các sản phẩm cây, con khác của nền sản xuất nông nghiệp cũng được thực hiện theo qui trình này: Bản thiết kế tự nhiên (bản đồ gene), số lượng thành tố cấu tạo hữu hạn.Sản phẩm đại diện 2: Đối với nền kinh tế công nghiệp, ta xét sản phẩm đại diện là cái ô tô, chẳng hạn xe Ford Model T. Ta thấy ngay, cái ô tô có rất nhiều thành tố, bánh xe, sàn xe, phanh, đèn, còi, hệ thống điện, ghế ngồi, tay lái, động cơ chạy xăng hoặc dầu diezen,… Tất nhiên, thành tố sức lao động phức tạp hơn rất nhiều. Vì mỗi thành tố cấu tạo nên cái xe cũng là tích hợp của nhiều sức lao động sáng tạo của biết bao nhà sáng chế, kỹ sư, công nhân. Ví dụ chỉ riêng cái phanh ô tô dạng ABS điện tử chống bó trượt là sản phẩm của hàng ngàn sáng chế, cải tiến kỹ thuật trong hàng trăm năm lao động của biết bao kỹ sư, nhà phát minh, công nhân,… Trong khi đó, yếu tố thời tiết ngày càng tỏ ra ít hiện diện minh bạch trong các sản phẩm công nghiệp.
Hình 3. Xe Ford Model T, sản phẩm đại diện của nền kinh tế công nghiệp
Đặc điểm cơ bản của sản phẩm công nghiệp là bản thiết kế không được tự nhiên ban tặng, mà là do lao động sáng tạo không ngừng của rất nhiều người trong một khoảng thời gian rất dài.Như vậy, khác với sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm công nghiệp có thiết kế nhân tạo và số lượng thành tố rất lớn, tuy hữu hạn và có thể đếm được, liệt kê được. Các sản phẩm, gọi là thủ công nghiệp, nhưng phát sinh trong nền giai đoạn của nền kinh tế nông nghiệp, như cái rìu bằng đá, cái xe ngựa, bộ cung tên, cũng được sản xuất theo qui trình này: thiết kế nhân tạo và số lượng thành tố hữu hạn. Người sở hữu bản thiết kế sản phẩm công nghiệp là một người hoặc một công ty, thậm chí là một quốc gia, ví dụ bản thiết kế bom nguyên tử.
Ta nhận thấy, ngay trong nền kinh tế nông nghiệp đã có các sản phẩm công nghiệp. Cho nên, không thể phân định một mốc thời gian rõ ràng giữa hai nền kinh tế này. Thời gian giao thoa giữa chúng có thể kéo dài hàng ngàn năm.
Sản phẩm đại diện 3: Ngày nay chúng ta đang bước vào giai đoạn đầu của nền kinh tế tri thức. Sản phẩm đại diện là mạng internet toàn cầu. Xét về mặt tích hợp, thì sản phẩm này là tích hợp của hàng tỉ máy tính đủ các cỡ, hàng triệu đường kết nối có dây hoặc không dây, hàng triệu phần mềm khai thác, hàng nhiều tỉ trang văn bản đủ loại ngôn ngữ và dạng thức khác nhau. Bản thiết kế cũng là nhân tạo, nhưng không ngừng đổi mới. Sản phẩm cũng không ngừng lớn mạnh về qui mô địa lý, độ phức tạp, số lượng, chất lượng. Mỗi công ty chỉ sở hữu một phần của mạng internet toàn cầu, do đó cũng chỉ làm chủ một phần của bản thiết kế đó. Nhưng người được hưởng lợi, được sử dụng thì gần như là toàn bộ nhân loại. Mỗi tiến bộ đóng góp vào bản thiết kế internet có thể thuộc về một công ty, nhưng người được lợi thì gần như tất cả. Chúng ta đang bước vào giai đoạn, mà ở đó khẩu hiệu “mình vì mọi người, mọi người vì mình” ngày càng gần đúng theo nghĩa đen của nó.
Có thể dự đoán rằng dần dần mọi sản phẩm của loài người sẽ thấp thoáng trên internet, từ cái bình gốm, hạt lúa, bó rau cải đến máy bay Boing, tàu Appolo.
Mạng internet là sản phảm toàn cầu của toàn nhân loại. Mỗi cá nhân có thể khai thác sử dụng một phần tài nguyên trên mạng. Đặc điểm nổi bật của sản phẩm này là nó thay đổi hàng ngày hàng giờ. Nhiều bộ phận mới được cập nhật, nhiều thành tố cũ bị loại trừ, hoặc bị virut phá hoại. Sản phẩm đó có mặt khắp nơi. Mỗi người có thể trích lục một phần thông tin trên internet toàn cầu, biến nó thành ra một thành tố cấu tạo mới, để tạo nên một sản phẩm cụ thể nào đó. Sản phẩm mới này có thể mang dấu ấn sở hữu cá nhân của anh ta. Ví dụ, một nhà nghiên cứu “thiền học” có thể tham khảo nhiều trang văn bản trên mạng, bổ sung thêm vào phương pháp luyện tập của anh ta, chế biến thành một cách thiền định mới, có công năng trị ung thư, mang lại sức khỏe và sự an lạc cho nhiều thành viên khác của xã hội.3.2.Tính khả dĩ của sự đại diện
Ba sản phẩm đã dẫn ra ở trên liệu đã có thể đại diện cho hầu hết các sản phẩm, kể cả các sản phẩm hữu hình và vô hình, mà nhân loại đã sáng chế ra trong quá trình phát triển hàng chục ngàn năm qua hay chưa? Liệu chúng ta có cần phải tìm thêm các dạng đại diện nữa hay không? Đặc biệt, liệu có thể dùng ba đại diện đó để phân loại các hình thái kinh tế mà nhân loại đã và đang trải qua hay chưa?
Tất nhiên, sự đại diện đó cực kỳ thô sơ. Nhưng xét về thành tố cấu trúc sản phẩm, thì việc đưa thêm nhiều đại diện khác là không cần thiết. Vì chỉ có thể phân loại các sản phẩm mà loài người đã sáng tạo ra thành ba nhóm: số lượng thành tố ít, số lượng thành tố nhiều (nhưng đếm được), và số lượng thành tố cực nhiều không thể đếm được. Hơn nữa, bản thiết cũng chỉ có ba nhóm: do tự nhiên cung cấp (bản thiết kế gene), do một người hoặc một nhóm người sáng chế và sở hữu (bản thiết kế sản phẩm công nghiệp), do vô số người sáng chế và sở hữu (bản thiết kế mạng internet). Lưu ý, chúng tôi dùng từ “bản thiết kế” ở đây theo nghĩa rộng, bao gồm cả phong cách cấu trúc, qui trình thực hiện, biện pháp sửa lỗi nữa, và ….và….
Nếu xem cách phân loại đó là khả dĩ, thì chúng ta có thể qui các phương thức sản xuất, các hình thái sáng tạo sản phẩm (sản xuất hàng hóa) của nhân loại về ba dạng thức:
-Sáng tạo ra các sản phẩm là kết hợp của một số ít thành tố, trên cơ sở bản thiết kế tự nhiên. Chủ yếu các ản phẩm này thuộc về nền kinh tế nông nghiệp;
-Sáng tạo ra các sản phẩm là kết hợp của một số khá nhiều thành tố, mỗi thành tố lại là kết tinh của nhiều lao động quá khứ, trên cơ sở các bản thiết kế nhân tạo đơn giản. Chủ yếu các sản phẩm này thuộc về nền kinh tế công nghiệp;
-Sáng tạo ra các sản phẩm là kết hợp của một số rất nhiều, thậm chí không đếm được, các thành tố, bản thiết kế là nhân tạo nhưng thuộc về rất nhiều người. Mỗi thành tố lại là kết hợp phức tạp của nhiều lao động và thành tố khác, quá khứ hoặc hiện tại. Chủ yếu các sản phẩm này thuộc về nền kinh tế tri thức.
Hình 4 mô tả các hình thái kinh tế hay các phương thức sản xuất. Có ba hình thái kinh tế: Nông nghiệp (NN), Công nghiệp (CN) và Trí nghiệp (TN) (chúng tôi tạm dùng từ Trí nghiệp thay cho nền kinh tế tri thức). Ta thấy trong thế giới ngày này, với các quá trình đan xen mãnh liệt của các công ty, với sự bùng nổ toàn cầu hóa, tất cả các nền kinh tế đều là đan xen của NN, CN và TN. Tỉ lệ và qui mô của các thành phần NN, CN và TN trong mỗi nền kinh tế quyết định mức độ phát triển và tính bền vững của nền kinh tế ấy.
Hình 4. Các phương thức sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và trí nghiệp (hay tri thức) tồn tại đồng thời trong nền kinh tế hiện đại.
(Còn tiếp)
█
4. Tính chất ngũ hành của nền kinh tế
Bất kể nền kinh tế nào cũng phải khởi đầu bời hành KIM, dù là kinh tế vi mô hộ gia đình, đến kinh tế vĩ mô của quốc gia, hoặc siêu vĩ mô toàn cầu. Hành KIM là quá trình tích tụ, tích lũy. Người nông dân, ngay cả khi có đất rồi thì cũng phải tích lũy tài chính, nhân lực, giống, phân bón, nước,… để canh tác. Do đó hành KIM là khởi đầu của kinh tế. Bởi vậy muốn sản xuất phải tích KIM.
Sau đó hành THỦY là phân phối (tản). Khi không phân phối được hoặc phân phối kém thì sản xuất đình trệ. Nếu trên qui mô lớn mà sự tản THỦY bị kẹt thì xuất hiện khủng hoảng. Sự trì trệ trong “tản THỦY” bất động sản ở Mỹ là nguyên nhân trực tiếp của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay.Quá trình thứ ba trong Ngũ hành là MỘC. Mộc là sáng tạo ra sản phẩm mới, sáng tạo ra cách phân phối mới, sáng tạo ra nhu cầu mới. (Sáng tạo ra nhu cầu mới còn được ngôn ngữ kinh tế học gọi là kích cầu). Do đó, đối với nền kinh tế hành MỘC vô cùng quan trọng. Vì sáng tạo ra sản phẩm mới chính là làm ra bản thiết kế mới để kết hợp các thành tố vào với nhau. Bản thiết kế đó phải trả bằng sức lao động sáng tạo của rất nhiều người. Nước nào có nhiều nhà sáng tạo thì sẽ có nhiều bản thiết kế mới, nhiều cách thức tổ hợp các linh kiện và thành tố thành sản phẩm mới. Giai đoạn lịch sử nào mà chính sách, cơ chế cản trở sự sáng tạo thì giai đoạn đó kinh tế trì trệ. Ví dụ giai đoạn trước đổi mới người ta sợ không dám sáng tạo, chỉ dám cải tiến, nên kinh tế phát triển kém. Ngược lại, giai đoạn lịch sử nào giải phóng mãnh liệt năng lực sáng tạo của con người thì kinh tế phát triển như vũ bão. Ví dụ, thế kỷ thứ 7-8 tại Ả- rập. Trong thời kỳ đó ai dịch được 1 cuốn sách thì nhà vua tặng một số vàng bằng trọng lượng cuốn sách. Giai đoạn đó đã tạo nên nền văn minh Arap vô cùng chói lọi trong lịch sử nhân loại. Hoặc như giai đoạn sau khi Đặng Tiểu Bình cầm quyền bên Trung Quốc. Cương lĩnh của Ông là “Bất kể mèo trắng hay mèo đen, miễn là bắt được chuột”. Kể từ đó đến nay, Trung Quốc phát triển rất nhanh, từ một nước nghèo nàn lạc hậu trở thành nền kinh tế mạnh thứ 3 trên thế giới.
Như vậy, hành MỘC trong Ngũ hành khi đem áp dụng vào nền kinh tế, dẫn ta đến một kết luận rằng “Cơ chế chính sách phải đem lại điều kiện tốt nhất cho sự sáng tạo. Còn bản thân sự sáng tạo là kết quả thử nghệm của các cách thức tổ hợp sản phẩm mới, của nhịp điệu KIM/THUỶ”.
Hành HỎA trong Ngũ hành đem ứng dụng vào nền kinh tế nghĩa là duy trì các điều kiện thích đáng cho sự sáng tạo, sao cho sự phát triển không khởi sinh “bong bóng”. Ngày nay các nhà kinh tế thường nói về sự phát triển quá nóng để mô tả các bong bóng bất động sản, bong bóng dot.com, bong bóng chứng khoán,… Đấy là hình thức tư duy trực cảm. Cái trực cảm đó gần đúng với những kết luận của Ngũ hành.
Cuối cùng, hành THỔ trong Ngũ hành mô tả cơn khủng hoảng. Bất kỳ khủng hoảng nào cũng là hậu quả trực tiếp của sự phát triển quá nóng. Mấy năm gần đây, nền kinh tế Việt nam chứng kiến nhiều hành THỔ. Các giai đoạn cuối của “phong trào” đều là THỔ. Ví dụ phong trào nuôi tôm, nuôi cá, trồng cà phê, trồng cao su, xây xi măng, luyện thép ….đều kết thúc bằng hành THỔ. Sau hành thổ chỉ doanh nghiệp nào đủ sức cải tổ mới tiếp tục bươn trải trong lĩnh vực đó. Số lượng các doanh nghiệp tôm cá, cà phê cao su, xi măng ,… đang “trụ hạng” lại được rất ít. Số lượng đó qui định qui mô của hành HỎA.
Như vậy, khủng hoảng kinh tế, hay hành THỔ kinh tế, là cần thiết và là tất yếu. Hành THỔ cho ta nhận thức về qui mô và nhịp điệu phát triển. Không thể nhìn nhận nền kinh tế qua một chỉ tiêu GDP bằng x%/năm. Càng không thể đánh giá nền kinh tế bằng các con số thống kê, như “ ngành xyz đã hoàn thành vượt mức kế hoạch 20% so với cùng kỳ năm ngoái”. Những con số đó ru ngủ chúng ta. Chính những con số đó đã vẽ một biểu đồ đường thẳng trong óc các nhà lập kế hoạch và thậm chí cả các nhà lập chinh sách nữa. Phải nhìn nhận nền kinh tế theo các vòng Ngũ Hành. Mỗi hành đều có các thông số động học nhất định. Hơn nữa, mỗi hành đều có thời lượng tồn tại nhất định. Ví dụ, trong giáo dục, nếu chưa tích KIM nhân lực được một số lượng thầy giáo nhất định, chưa xây dựng được một khối lượng cơ sở hạ tầng nhất định, thì không thể đoán sẽ đào tạo ra bao nhiêu vạn tiến sỹ.
Trong một nền kinh tế, có hàng triệu sản phẩm thì có hàng nhiều triệu cách thức tổ hợp thành tố để tạo ra các sản phẩm đó. Mỗi cách tổ hợp sử dụng một bản thiết kế (tự nhiên hoặc nhân tạo). Mỗi cách tổ hợp cũng là kết quả của lao động sáng tạo của nhiều người. Khi nhìn thấy hay mua bán sản phẩm ta chỉ nhìn thấy hành MỘC của một vòng Ngũ hành. Do đó, hàng triệu sản phẩm sẽ tương đương với hàng nhiều triệu vòng Ngũ hành. Các vòng đó đang ngày đêm lồng xoắn vào nhau, tạo nên một cuộc xoay vần vĩ đại. Nếu không nhìn thấy cục diện xoay vần đó, chúng ta bảo chính con tạo đang xoay vần. Ngược lại, không phải vậy, chính con người đang xoay vần nền kinh tế này. Chính “cái tâm tổng hợp” của nhân loại là động cơ trung tâm của cuộc xoay vần này. “Cái tâm tổng hợp” đó đã tạo ra cuộc khủng hoảng hiện nay, nó cũng sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng này.
Vấn đề, vừa mang tính toàn cầu vừa mang tính chất quốc gia, thậm chí có tính cá nhân nữa (vi mô, vĩ mô, siêu vĩ mô) là ở cương vị của mình chúng ta phải nhìn nhận chân xác các điểm huyết quyết định quá trình xoay vần của các vòng Ngũ hành. Các điểm huyệt đó được gọi là các điểm huyệt Phong thủy của nền kinh tế.
5. Huyệt Phong thủy RTT của nền kinh tế tri thức
Trên qui mô toàn cầu, nền kinh tế thế giới đang lâm vào quá trình THỔ. Đó là cuộc khủng hoảng bùng phát từ 2008. Giai đoạn này còn kéo dài ít nhất 10 năm. Các quốc gia trong G7 hoặc G8 sẽ còn phải vận lộn lâu để thoát khỏi khủng hoảng này. Bởi vì thực chất nhân dân và người lao động trong các nước đó đang ở điểm cận đáy. Cái cận đáy này khác xa thời của Karl Marx. Hồi đó người lao động bị bóc lột đến cận đáy. Thời này, về hình thức người lao động tại các nước G7-G8 coi như không bị bóc lột. Nhưng đó chỉ là hình thức. Trên thực tế họ có thể bị mất hết mọi thứ, mất cả niềm tin nữa, nếu họ mất việc làm. Cho nên, ngay hôm qua (10-02-2009) thôi, tại cung điện Elisée, Tổng Thống Pháp Sarkozy đã ký văn bản cho các hãng xe hơi vay một gói tài trợ đến 7 tỉ USD với điều kiện không được sa thải lao động trong 4 năm sắp tới. Vậy, thực tế người lao động luôn luôn bị một nỗi ám ảnh về sự bóc lột đến tận cùng. Nỗi ám ảnh đó là có thực, nguy cơ bị bóc lột là có thực. Người chủ xưởng không bóc lột trực tiếp, nhung định chế xã hội đã tạo ra nguy cơ đó. Do đó, có thể kết luận xã hội phương Tây đã ở hành THỔ trước cả khi khủng hoảng kinh tế 2008 xảy ra. Khi vào hành THỔ, tức là hành trì trệ, thì sức sáng tạo tổng thể của toàn xã hội bị kìm hãm, xã hội trì trệ. Liệu pháp cứu thị trường bằng cách bơm thêm hàng ngàn tỉ USD vào nền kinh tế chỉ là một liều doping, không có sức khơi dậy sự sáng tạo đang ngủ liệt. Lượng tiền bơm thêm đó có thể cứu giúp các ngân hàng và các hãng lớn trụ lại trong cơn bão khủng hoảng, nhưng không cứu hết được mọi người. Chừng nào các nước lớn không đổi máu của người lao động, thì dù có đưa ra phương án ứng xử nào cũng chỉ kéo dài thêm hành THỔ mà thôi. Lượng tiền bơm vào không đủ cho toàn xã hội tiến hành một cuộc tích KIM vĩ đại.
Trong khí đó, nhóm nước mới nổi còn có thể duy trì trạng thái HỎA của họ một thời gian nữa, sau đó mới về THỔ. Có thể kể tên các nước mới nổi, như Trung Quốc, Ấn Độ, Mã lai, Singapoor, Hàn Quốc,… Các nước này đang ở hành HỎA “già”. Họ có thể duy trì trạng thái của nền kinh tế với điều kiện thay đổi nhanh nhậy và mềm dẻo các chính sách lớn, để vẫn có thể chế tạo ra những sản phẩm mà thiên hạ không làm hoặc không thể làm. Khi đó họ có thể cung cấp sức ấm nóng cho nền kinh tế toàn cầu trong khoảng 20 năm. Giúp thế giới dần dần đi ra khỏi khủng hoảng.
Đối với nước ta vấn đề khá phức tạp. Thực chất, chúng ta đi ra khỏi hành HỎA từ sau 1975. Hành HỎA của nước ta cháy từ 1945 đến 1975. Đó là quá trình toàn thể dân tộc dồn hết nhân tài vật lực cho hai cuộc kháng chiến giành độc lập. Sau hành HỎA tất đến THỔ. Chúng ta đã đi vào hành THỔ từ những năm trì trệ của nền kinh tế bao cấp. Cuộc đổi mới từ 1986 đến nay đã hơn 20 năm. Cuộc đổi mới đó thực chất mới chỉ là thêm sức cháy cho các trung tâm HỎA cũ, giống như thổi thêm gió vào các khúc củi đã và đang cháy. Chúng ta phải thành thật nói với nhau rằng cuộc đổi mới 20 năm qua chưa bồi dưỡng nguyên khí cho toàn dân tộc. Chúng ta đang đổi mới một cách thận trọng, vừa làm vừa điều chỉnh. Tuy vậy, năng lực quốc gia mấy năm nay cũng đã được bồi dưỡng đáng kể. Như thế, có nghĩa là chúng ta đang bắt đầu tích KIM. Thực vậy, từ nhiều năm nay tốc độ tăng trưởng tăng liên tục, dự trữ ngoại tệ quốc gia tăng dần, dòng vốn FDI cũng tăng…. Đó là các quá trình tích KIM. Rất không may, chúng ta đang bắt đầu tích KIM thì thiên hạ ầm ầm về THỔ. Quá trình khủng hoảng toàn cầu là một khó khăn lớn cho nhân dân ta trong tích KIM. Các công ty của chúng ta bị mất nhiều hợp đồng với nước ngoài đã phản ánh điều đó. Vậy thực chất, nền kinh tế nước ta đang trong hành THỔ, có xu hướng chuyển sang KIM. Nhưng khi thế giới về THỔ, cái xu hướng chuyển sang KIM của chúng ta có thể bị tàn lụi, chúng ta có thể bị kéo ngược về THỔ. Đây là một nguy cơ thực sự. Thống kê của các Khu công nghiệp trên toàn quốc cho thấy khoảng 20-30% công nhân, trong đầu năm 2009, đang bị mất việc làm là một minh chứng cho sự kéo lùi hành KIM về THỔ.
Vậy chúng ta phải làm gì? Lý thuyết Ngũ hành cho chúng ta câu trả lời trực tiếp: Phải tích cực tích KIM hơn nữa. Vấn đề là trong bức tranh tổng thể nền kinh tế thì khu vực nào, ngành nghề nào là huyệt Phong Thủy để chúng ta có thể dồn toàn bộ năng lực quốc gia vào đó, khởi động mạnh mẽ các quá trình tích KIM tại đó, rồi dần dần nhân rộng sang các khu vực khác.
Dưới đây, chúng tôi lần lượt phân tích trạng thái các ngành nghề kinh tế để chỉ ra huyệt Phong Thủy của nền kinh tế Việt nam.
Như đã nói, hình thế núi sông tương đối tĩnh tại và ổn định lâu dài vài trăm năm, thậm chí vài ngàn năm. Huyệt Phong Thủy núi sông có thể tìm được tương đối dễ dàng. Nhưng bức tranh kinh tế là một bản đồ động, biến đổi qua từng năm, thậm chí từng tháng, từng quí. Huyệt Phong Thủy kinh tế vì vậy cũng rất động, hơn nữa còn bị che khuất bởi các hiện tượng mang tính nhất thời. Do đó, tìm huyệt Phong Thủy kinh tế rất khó. Nhưng dù khó mấy chúng ta vẫn có thể tìm được, miễn là chúng ta nắm định nghĩa huyệt: “Huyệt Phong Thủy là nơi hội tụ các nguồn lực có khả năng liên kết. Trong huyệt các nguồn lực xoắn quyện với nhau tạo ra các giá trị mới. Rồi các giá trị mới đó được tản ra trong hành THỦY để kích thích các quá trình sinh MỘC”. Như vậy, Huyệt Phong Thủy có cơ chế vận động tích vào tản ra. Nhịp điệu và hình thức của các quá trình vận động tại huyệt gần giống như quá trình vận động của lá phổi trong cơ thể con người.
Trong suốt quá trình đổi mới huyệt Phong Thủy kinh tế Việt nam đã vài lần thay đổi. Ban đầu đó chính là nông nghiệp. Tại thời điểm đổi mới, chỉ cần một cơ chế đúng (cơ chế khoán) là toàn bộ nguồn lực của xã hội dồn về đất. Đất được khai thác triệt để, nên năng suất nông nghiệp tăng, nước ta từ thiếu đói trở thành một nước xuất khẩu gạo. Tại thời điểm ấy, người nông dân dồn mạnh (tích) sức lực và kỹ thuật (phân, giống, nước…) vào đất, tản ra những vụ mùa bội thu. Vậy đất, sau một thời gian dài “ngủ đông”, được giải phóng những năm đầu 1990, đã “thở” lại mạnh mẽ. Sản xuất nông nghiệp thực sự đã đóng vai trò huyệt Phong Thủy của nền kinh tế trong khoảng những năm 1990-1998. Ta gọi huyệt Phong Thủy kinh tế số 1 sau đổi mới là “huyệt Phong Thủy nông nghiệp”.
Sau đó huyệt Phong Thủy chuyển sang thông tin. Ngành thông tin phát triển mạnh mẽ từ nhiều năm nay đã đóng góp to lớn vào toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Bắt đầu vào khoảng 1997-1998, nhiều kỹ thuật mới, nhiều trang bị mới, cả cách quản lý mới cũng được dồn tích cho ngành thông tin. Sự tản ra tại huyệt thông tin là số lượng máy điện thoại tăng nhanh chóng trong vài năm, sự xuất hiện của hàng trăm doanh nghiệp viễn thông cùng các mạng có dây và không dây, và cuối cùng là ra đời của Bộ Bưu chính Viễn thông. Sau khi Bộ Bưu chính Viễn Thông ra đời, huyệt Phong Thủy thông tin đầy dần. Ta gọi huyệt Phong Thủy kinh tế số 2 sau đổi mới là “huyệt Phong Thủy thông tin”.
Cả hai huyệt Phong Thủy này đã mang lại một luồng gió đổi mới tích cực cho kinh tế nước ta trong hơn 20 năm qua. Nhiều mặt của đời sống kinh tế xã hội đã thay đổi triệt để nhờ các đường lối chính sách đúng dắn đã được quyết định kịp thời để khai mở hai huyệt Phong Thủy đó. Tuy vậy, bắt đầu từ sau 2004, chúng ta lúng túng, không chọn được huyệt Phong Thủy mới. Sự lúng túng đó thể hiện trong nông nghiệp với các phong trào non hơi (tôm, cá, café, cao su…), vừa bùng đã lụi. Ngài Cựu Thủ tướng đi các nơi đều hỏi “trồng con gì, nuôi cây gì?”. Thực sự, Ngài rất muốn khơi dậy tính sáng tạo nơi đồng bào, đồng chí, nhưng câu hỏi đó cũng phần nào thể hiện Ngài “hơi” lúng túng. Ngoài ra, sự lúng túng cũng thể hiện trong công nghiệp. Ví dụ, tỉnh nào cũng đua nhau làm KCN là một sự lúng túng, hoặc quá trình cổ phần hóa vội vã làm hao hụt năng lực quốc gia cũng là một sự lúng túng khác nữa. Bây giờ chúng ta càng lúng túng hơn khi cả thế giới bị khủng hoảng.
Để tìm huyệt Phong Thủy mới chúng ta cần nắm vững định nghĩa huyệt đã trình bày ở trên. Hơn nữa, cần phải đọc lại truyền thuyết Thánh Gióng. Truyền thuyết này, như chúng tôi đã phân tích (2,3,4), chính là mật mã trường tồn và phát triển của dân tộc Việt nam, là bảo bối mà cha ông để lại cho con cháu mỗi khi gặp khó khăn. Theo truyền thuyết, gặp lúc giặc Ân sang xâm lược, nhà vua đã tích những thành tựu công nghệ bậc nhất đương thời (gậy sắt, giáp sắt, ngựa sắt biết phi và phun ra lửa), dân làng đã tích cơm gạo để một cậu bé 3 tuổi vươn mình thành tráng sỹ. Như vậy, khi gặp khó khăn cần tích KIM mãnh liệt. Sau đó, Thánh phi ra trận, ngựa thét ra lửa, vung gậy diệt thù. Đây chính là hành MỘC. Trên thực tế, có lẽ nhân dân ta ngày đó đã dùng hỏa công di động để đánh giặc với tốc độ cực cao. Một mô hình chiến đấu vận động đầy hiệu quả đã được thực hành. Sau này, chính Quang Trung-Nguyễn Huệ đã sử dụng nghệ thuật hỏa hổ diệt đồn trong trận thần tốc diệt 29 vạn quân Thanh, mùa xuân Kỷ Dậu 1789. Có thể chính Ngài đã đọc lại mật mã Thánh Gióng chăng?
Cho nên, ngày nay vừa tự hào vừa kính cẩn, chúng ta cũng dùng mật mã trong truyền thuyết Thánh Gióng để vượt qua cơn khủng hoảng kinh tế này. Trước hết cần tìm huyệt Phong Thủy cho đúng, để tích KIM, để dồn tụ những sức mạnh bậc nhất của dân tộc vào huyệt, tạo nên những bước phát triển đột phá. Huyệt Phong Thủy trong giai đoạn mới này phải là những điểm cho phép dồn tụ những tinh hoa công nghệ, tổ chức, quản lý, sáng tạo…. Huyệt nhất định không thể bị ràng buộc bởi tham nhũng, và các định chế hành chính cứng nhắc, trì trệ. Xét khắp các ngành kinh tế hiện đang vận hành như đóng tầu, khai mỏ, hóa chất, xây dựng, giao thông, du lịch, điện lực, thủy sản, nông nghiệp, giáo dục… ta không thấy có một ngành kinh tế riêng lẻ nào thỏa mãn các yêu cầu vừa nêu trên của Huyệt Phong Thủy. Ngành nào cũng bị các ràng buộc hoặc về hành chính, hoặc về chính sách, hoặc về vốn liếng hay công nghệ… Hơn nữa, trong lúc vừa mới nhập vào thời đại kinh tế trị thức này, ở Việt nam chưa có một ngành nào có thể được xem như một trung tâm hút tích tài nguyên trên mạng internet để biến thành sản phẩm mới.
Do vậy, Huyệt Phong Thủy của nền kinh tế mới là cái chưa có sẵn. Chúng ta phải kiến tạo ra. Cái sẽ được kiến tạo ra cũng nằm biểu tượng trong mật mã dân tộc. Thực vây, trong truyền thuyết Thánh Gióng, tại sao nhân dân và nhà vua không tích góp năng lượng cho một vị đại tướng của triều đình, mà lại tích góp cho một nhân vật “không tên tuổi, không biết nói, thậm chí chưa biết đi nữa”? Đây lại là một điểm vô cùng quan trong trong mật mã, một nghệ thuật tinh vi để biến “không” thành “có”, một khớp nối đặc biệt giữa “hữu” và “vô”. Do vậy, huyệt Phong Thủy sẽ được tạo ra phải gồm các thành tố có sức cuốn hút mãnh liệt sẽ được tích vào “một điểm” chưa hình thành. Các thành tố ấy là:
* Huyệt phải gồm một bộ phận nghiên cứu sáng tạo ra bản thiết kế mới;* Huyệt phải gồm một bộ phận đào tạo nhân lực mới;* Huyệt phải có khả năng sản sinh và phát tản sản phẩm mới.
Như vậy, huyệt Phong Thủy kinh tế bao gồm ba trụ cột: Nghiên cứu công nghệ (Researching), Đào tạo nhân lực (Training), Chuyển giao sản phẩm (Transfering). Trong tiếng Anh có thể viết tắt ba từ đó thành RTT. Dưới đây chúng ta sẽ giải thích sâu hơn về ba thành tố của Huyệt, chỉ ra những điểm khác biệt, mà ngôn ngữ thông thường chưa diễn tả hết được những gì mà chúng ta cần hình dung về Huyệt Phong Thủy kinh tế.
Hình 5. Hình dung về huyệt Phong Thủy kinh tế RTT
Trước hết, thành tố đầu tiên là nghiên cứu công nghệ. Đây là tích góp những tiến bộ của nhân loại, có thể bằng cách khai thác mạnh mẽ internet hoặc các phương tiện khác. Nghiên cứu là hành động tich KIM khởi đầu. Nghiên cứu tức là khai thác sử dụng triệt để những sản phẩm tri thức mà nhân loại đã và đang sáng tạo ra. Công tác nghiên cứu bao gồm cả việc thiết lập, thử nghiệm ra các bản thiết kế, các cách tổ hợp thành tố mới. Kết quả nghiên cứu phải là một “bản thiết kế mới”. Bản thiết kế như đã nói là phương thức tổ hợp các thành tố để tạo ra một “vật thể”. Nghiên cứu có thể là tìm hiểu nắm vững bản thiết kế đã có của nước khác, nhưng nhất định phải làm cho nó thích ứng với môi trường Việt nam. Một khi đã xác lập được bản thiết kế sản phẩm mới thì cũng có nghĩa là một nửa vòng Ngũ hành KIM-THỦY-MỘC đã được xác lập. Một nửa vòng Ngũ hành ấy là yếu tố khẳng định sức sống của sản phẩm tương lai trong môi trường đầy cạnh tranh. Nếu nghiên cứu công nghệ chỉ cho ra các sản phẩm không thực tế thì công tác nghiên cứu đó không bền vững, sản phẩm mới không có giá trị. Công tác nghiên cứu đó không được coi là một thành tố tạo nên huyệt Phong Thủy. Thực vậy, hiện nay chúng ta đang chi rất nhiều tiền cho các nghiên cứu ít giá trị, thậm chí hoàn toàn vô giá trị.
Thành tố thứ hai của huyệt RTT là đào tạo nhân lực mới. Đối với huyệt Phong Thủy, công tác đào tạo nhân lực không phải là công việc dạy học thông thường như trong các nhà trường. Ví dụ, khi huyệt Phong Thủy nông nghiệp được khai mở những năm 1990, thì việc đào tạo con người đâu có phải là dạy nông dân cách trông lúa. Người nông dân lúc đó chỉ cần đổi mới tư duy là coi như đã được đào tạo lại rồi. Vậy công tác đào tạo trong huyệt Phong Thủy phải là huấn luyện cho người lao động hiểu qui trình mới, thực hành sáng tạo qui trình mới, theo bản thiết kế mới. Lúc đó, bản thiết kế mới mà khâu nghiên cứu chuyển giao sang phải trở thành nếp nghĩ, trở thành máu thịt của học viên mới. Họ học để hành ngay lập tức. Học để sản xuất ra sản phẩm mới. “Nhà trường” trong huyệt Phong Thủy phải như các trường Quân chính Trần Quốc Tuấn hồi năm 1945-1946. Hồi đó các trường quân sự cấp tốc này trong một thời gian ngắn đã đào tạo hàng ngàn sỹ quan, mà sau này nhiều người trở thành những vị tướng lĩnh lừng danh. Vậy thành tố thứ hai của huyệt RTT mang tính chất hành THỦY.
Thành tố cuối cùng tạo ra huyệt RTT là chuyển giao sản phẩm. Công tác chuyển giao sản phẩm không phải là buôn bán thông thường, phải làm sao cho sản phẩm mới đến với mọi người, mọi nhà, mọi đối tượng trong xã hội. Ví dụ, huyệt Phong Thủy nông nghiệp đã mang bát cơm gạo mới đến cho mọi người thay cho cơm độn bo bo. Hoặc ví dụ, huyệt Phong Thủy thông tin đã chuyển đến tay mỗi chúng ta một máy điện thoại di động. Sản phẩm mới do huyệt Phong Thủy tản ra phải thực sự mang lại lợi ích cho mọi người. Như thế đối với huyệt RTT thì thành tố thứ ba mang tính chất THỦY, vì huyệt đã tản ra sản phẩm mới cho xã hội. Nhưng đối với xã hội, đối với mỗi con người cụ thể thì tác dụng của thành tố thứ ba này lại đang giúp họ tích KIM.
Xem xét các yếu tố trên, câu hỏi đương nhiên đang đặt ra với chúng ta là “ngành nghề kinh tế nào sẽ là huyệt Phong Thủy kinh tế RTT trong giai đoạn tới?”. Thực vậy, không dễ dàng chỉ ra huyệt RTT mới. Năm 1945, cụ Hồ Chí Minh khởi tạo phong trào bình dân học vụ chính là một huyệt Phong Thủy RTT. Phong trào ba sẵn sàng, ba đảm đang cũng xứng đáng là các huyệt RTT do con người khởi tạo. Bất cứ khi nào, huyệt RTT được khởi tạo đúng, phù hợp qui luật Ngũ hành, có đầy đủ các yếu tố tích/tản thì đều tạo nên những thay đổi sâu sắc và triệt để trong xã hội.
Hãy xem nước Mỹ hiện nay, Chính Phủ họ vừa quyết gói cứu trợ tài chính 700 tỉ (2008) và gói kích cầu hơn 800 tỉ USD (2009). Hai gói tiền khổng lồ này chắc chắn không phải là hai huyệt Phong Thủy RTT do con người khởi tạo. Bởi vì nó không có đủ các tính chất của ba thành tố RTT như đã mô tả ở trên. Quay lại với bàn cờ kinh tế Việt nam, liệu chúng ta có cơ may khởi tạo được huyệt Phong Thủy RTT nào trong giai đoạn sắp tới chăng. Dưới đây chúng tôi đưa ra các phương án xây dựng huyệt RTT mang tính tham khảo.
6. Huyệt RTT trong giai đoạn mới
Dưới đây sẽ trình bày ba loại huyệt RTT mới. Mỗi loại huyệt RTT được trình bày đều thể hiện đầy đủ các thành tố R, T và T. Tuy nhiên, mỗi huyệt đều là một dự án đặc biệt, mà trong khuôn khổ bài này chúng tôi chỉ trình bày các ý tưởng chính, còn các tính toán chi tiết xin đọc trong bản dự án hoàn chỉnh. Sau khi khởi tạo ba huyệt này, xoắn quyện chúng lại với nhau, thì một huyệt Phong Thuỷ mới sẽ hình thành, nước Việt Nam sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới thịnh vượng. 6.1.Huyệt RTT công nghiệp phụ trợ6.2.Huyệt RTT giáo dục - văn hóa6.3.Huyệt RTT mặt trời
6. Kết luận
Bài này dựa trên lý thuyết Ngũ hành nhìn nhận nền kinh tế như là sự vận động tổng hợp của các vòng Ngũ hành. Trong đó, hành KIM là tích tụ, đồng thời là khởi thuỷ của mọi hành khác. Các sản phẩm mà nền kinh tế sản xuất ra dưới bất kỳ thời đại nào, hình thức nào cũng là sự tích tụ hành KIM. Sau khi sản phẩm ra đời nó vận hành theo các hành THỦY, MỘC, HỎA, THỔ. Khi rất nhiều sản phẩm về THỔ cùng một lúc là giai đoạn nền kinh tế lâm vào khủng hoảng. Hiện nay, nền kinh tế thế giới đang vào hành THỔ. Trong khi đó, nền kinh tế Việt nam đang tích KIM một cách non yếu. Vì vậy chúng ta gặp khó khăn. Nhưng trong họa có phúc. Phúc ấy là chúng ta đang đứng trước giờ khai huyệt Phong Thủy của nền kinh tế trí thức. Huyệt Phong Thủy đối với nền kinh tế Việt nam lúc này chuyển sang giai đoạn tổ hợp ba huyệt RTT nhỏ. Chỉ một cú đẩy nhẹ là cửa huyệt đạo mở. Nước ta sẽ vượt qua khủng hoảng kinh tế. Khi huyệt mở chúng ta sẽ tự đào tạo được hàng triệu con người mới, trong một thời gian ngắn. Họ có thêm tri thức mới. Họ sẽ sáng tạo ra các sản phẩm mới, trên cơ sở các thiết kế nội sinh. Cuộc “Bình dân học vụ” lúc này sẽ được nâng lên tầm mức Đại học.
- Việt Nam vô địch Mitsubishi CUP dưới góc nhìn của Phong Thuỷ (06-01-25)
- Dự đoán phong thủy năm Ất Tỵ (2025): Những điều cần biết để đón một năm may mắn (05-01-25)
- Người tuỗi Tỵ nên kiên gì trong năm ất tỵ 2025 (01-01-25)
- Cúng sao giải hạn là gì? (03-12-24)
- Khi tâm tin, vận may đến (30-11-24)
- Phong tục độc đáo trong ngày đầu năm mới của người Việt (28-11-24)
- Vì sao người ta lại mua cá lóc nướng vào ngày cúng ông Táo? (25-01-24)
- 6 loài hoa cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp (21-01-24)
- Giáp Thìn 2024 thuộc mệnh Hỏa, hãy thường xuyên dùng 4 màu này để mang tới năng lượng tích cực, phát tài cả năm (13-01-24)
- Cửu cung phi tinh 2022 Nhâm Dần (31-01-22)
- Thắp hương bàn thờ thần tài theo đúng giờ này khi thờ cúng thần tài ông địa để tài lộc vào đầy nhà tiền chật két (31-12-21)
- Cách tìm và sử dụng góc tiền phong thủy của bạn (16-11-21)
- Phong thủy có thể giúp thay đổi cuộc sống của bạn (01-10-21)
- Mệnh Mộc Hợp Màu Gì Và Kỵ Màu Gì ??? (15-08-21)
- Mệnh Thủy Hợp Màu Gì Và Kỵ Màu Gì ??? (13-08-21)
- Tuổi Tam Tai năm Ất Tỵ (2025) (28-01-25)
- Mẹo phong thủy cho không gian trung tâm của ngôi nhà (03-04-22)
- Mẹo sử dụng phong thủy để chọn màu sơn cho ngôi nhà (01-03-22)
- Hướng dẫn bạn đọc xem phong thủy cơ bản cho nhà biệt thự liền kề (15-02-22)
- Mẹo sử dụng thảm trong nhà theo phong thủy để đem lại may mắn (03-01-22)
- Ý nghĩa của cá koi trong phong thủy (01-12-21)
- Hướng Dẫn 8 Cách chọn tranh phong thủy cho phòng khách (22-09-21)
- 14 Thuật Phong Thuỷ Trong Cửa Ra Vào Và Cửa Sổ (04-08-21)
- 7 phương pháp chữa bệnh theo phong thủy mà không phải ai cũng biết (06-07-21)
- Lấy tuổi vợ làm nhà có được không? Lưu ý khi mượn tuổi làm nhà (21-06-21)
- Tọa hung hướng cát là gì? Nguyên tắc chọn tọa hung hướng cát cho bếp (21-05-21)
- Hướng dẫn cách chuyển bát hương sang bàn thờ mới (13-05-21)
- Cách xem phong thủy nhà ở đem tới tài lộc và may mắn cho gia chủ (12-05-21)
- Tính khoa học trong phong thủy kiến trúc hiện đại (01-03-19)
- Sinh năm 2019 mệnh gì, tuổi con gì, mạng hợp với những gì? (01-01-19)